Chùa Tây Tạng
Giới thiệu
Bình Dương được biết đến là nơi có những khu công nghiệp quy mô lớn và nhiều công trình tâm linh nổi tiếng, một trong số đó là chùa Tây Tạng Bình Dương. Đây là danh lam nổi tiếng với cảnh vật đẹp, không gian thoáng mát và tĩnh lặng. Người dân đến đây để lạy Phật, cầu bình an, làm lễ cúng sao giải hạn cũng như tìm những giây phút thanh tịnh và thư thái.
- Địa chỉ: số 46B đường Thích Quảng Đức, Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
- Thời gian mở cửa: luôn mở cửa
- Giá: miễn phí
- Cách di chuyển: từ Siêu thị Big C Bình Dương, du khách đi về hướng Đông Nam lên Đại lộ Bình Dương, đi thẳng 1km thì rẽ phải tại Văn Phòng Đại Điện Đất Việt Tour vào Thích Quảng Đức, đi dọc theo đường Thích Quảng Đức khoảng 800m sẽ gặp điểm đến ở bên trái.
Ngôi chùa Tây Tạng được sáng lập vào năm 1928 bởi Hòa thượng Thiền sư Minh Tịnh với tên gọi là Bửu Hương Tự, thuộc hệ phái Bắc tông và đến năm 1937 thì đổi thành chùa Tây Tạng. Chùa tọa lạc ở một ngọn đồi và được bao bọc xung quanh bởi những cây xanh rợp bóng mát và sau đó được trùng tu vào năm 1992. Chùa Tây Tạng là một ngôi chùa được xây dựng với phong cách kiến trúc độc đáo, mang màu sắc của ngôi chùa xứ Tây Tạng. Khi vừa đặt chân đến cổng Chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai câu đối kết hợp hài hòa giữa tên mới và tên cũ của chùa do Thiền sư Minh Tịnh đặt.
Đi sâu vào bên trong chánh điện, du khách được tận mắt khám phá phong cách thiết kế thờ phượng như một pháp hội của Phật Thích Ca. Ở giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền, xung quanh có chư Phật và Bồ tát như Quan Âm, Địa Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù, … Ở chánh điện được xây dựng theo cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp và các tứ giác. Trên tầng thượng của chùa là nơi thờ 5 vị Phật giáo của Tây Tạng.
Đặc biệt chùa còn nổi tiếng với bức tượng Đạt Ma Sư Tổ- là bức tượng được làm bằng tóc lớn nhất nước ta. Tượng bao gồm 3 phần và chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt thì mọi phần còn lại đều được làm bằng tóc của các Phật tử. Bức tượng tái hiện lại hình ảnh Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi. Trên vai ông có một đòn gánh với bên trái là hòm kinh Lăng Gìa và bên tay phải là túi càng khôn. Trên đòn gánh còn có một chiếc nón lá mang đậm nét truyền thống của dân tộc ta.
Nguồn hình ảnh: Internet; fb.Jackie Dam.
Bài viết: M. Nguyệt.
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: Luôn mở cửa