Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Vị trí
Giới thiệu
Khi đến Hà Nội mà bạn muốn tìm một địa điểm check- in mang dấu ấn văn hóa dân tộc Việt thì Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là địa điểm bạn không nên bỏ qua. Tại đây, bạn có thể tìm hiểu lịch sử cũng như văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em trong không gian cô đọng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Địa chỉ: Nguyễn Văn Huyên, Phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giờ mở cửa: 8:30 – 17:30 từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần
Giá vé: 40.000 đồng/người/lượt; riêng Sinh viên: 15.000 đồng/người/lượt. - Học sinh: 10.000 đồng/người/lượt. - Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa (Người cao tuổi; Người khuyết tật,…..): giảm 50% giá vé. - Người dân tộc thiểu số: giảm 50% giá vé.
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 8 km, trước đây là vùng đất ruộng của cư dân sở tại. Công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người dân tộc Tày, thuộc Công ty Xây dựng nhà ở và công trình công cộng, Bộ Xây dựng) thiết kế. Nội thất công trình do Bà kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp) thiết kế. Bảo tàng được thành lập và xây dựng vào năm 1995, được đưa vào hoạt động năm 1997.
Hiện nay bảo tàng có diện tích gần 4,5ha, bao gồm ba khu trưng bày:
- Thứ nhất, toà nhà 2 tầng có tên gọi Trống đồng, trưng bày về các dân tộc ở Việt Nam, bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 13/11/1997.
- Thứ hai, khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam.
- Thứ ba, toà nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều, khởi công xây dựng tháng 6/2007 và khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2013, là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á.
Bảo tàng là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quí giá về văn hoá của 54 dân tộc anh em. Hiện vật của Bảo tang không phải chỉ là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm nhiều thứ rất bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu… Chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và mọi sáng tạo văn hoá của họ. Bởi vậy, trong Bảo tàng này, hiện vật rất phong phú, có thể hình thành được nhiều sưu tập theo các tiêu chí khác nhau. Bảo tàng có 54 bộ sưu tập về từng dân tộc, như: về người Thái, về người Hmông, về người Gia Rai… Phân chia theo công dụng, có các sưu tập về y phục, các đồ trang sức, về nông cụ, về ngư cụ, về vũ khí, về đồ gia dụng, về nhạc cụ… Lại có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tổ chức trưng bày và xuất bản sách ảnh theo các dạng thức sưu tập khác nhau, bổ ích và lý thú đối với mọi đối tượng, mọi trình độ học vấn.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện nay là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới để tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là địa điểm hấp dẫn thú vị để bạn đến tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn hình ảnh: FB Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam; Instagram: dbtrang, Hanautahanoi, staiffee
Bài viết: An Nhiên
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: 8:30 – 17:30
- Tags: Hà Nội
- Phương tiện giao thông: Buýt, xe máy, Taxi