Chùa Hiến
Giới thiệu
“Cửa ngọc, tòa vàng, Phật đã đắp cao nền bảo hiện
Thôn Hoa, chùa Hiến, sư càng mến cảnh luyện tâm kinh”
Nghe câu thơ trên không biết mọi người đã biết mình muốn nhắc đến địa điểm nào chưa ạ? Đó chính là Chùa Hiến ở Hưng Yên. Nếu du khách muốn đến Hưng Yên chơi nhưng chưa biết tìm địa điểm nào để khám phá thì có thể suy nghĩ về việc đến chùa Hiến. Để biết được thêm một vài thông tin thì mọi người hãy cùng mình đi tìm hiểu nhé.
Vị trí: Đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên.
Giờ mở cửa: Mở cửa cả ngày
Giá vé: Miễn phí.
Hướng dẫn di chuyển: Từ Hà Nội đi vào Giải Phóng đi khoảng 3,3km thì rẽ trái vào QL1A, đi khoảng 700m rẽ phải vào ĐCT Hà Nội - Ninh Bình/ ĐCT Pháp Vân - Cầu Giẽ/ DDCT01 đi khoảng 37km tại nút giao Vực Vòng, đi bên phải đi theo các biển báo cho Hưng Yên/ Đồng Văn. Tiếp tục đi 550m tại vòng xuyến, đi theo nối ra vào thứ 3 vào QL38 rồi sau đó rẽ vào Đường Tránh Hòa Lạc đi khoảng 8,3km tại vòng xuyến đi theo lối thứ 2 vào QL38/QL38B tiếp sau đó rẽ vào phạm Bạch Hổ đi tiếp khoảng 400m rẽ vào Bãi Sậy rồi đi khoảng 1,8km rẽ vào phố Hiến sau đó đi tiếp 450m thì chúng ta đến được chùa Hiến.

Chùa Hiến còn có tên gọi khác là Thiên Ứng tự, mọi người kể lại là ngôi chùa này được xây dựng từ thời Trần, niên hiệu Thiên Ứng của vua Trần Thái Tông, do Tô Hiến Thành, quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng và chùa được trùng tu lại năm 1625, 1709.

Chùa Hiến được xây dựng với kiến trúc “nội công ngoại quốc” gồm có tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, tượng đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị bồ tát ngồi trên tòa sen. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan Âm cùng tứ vị bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Đây cũng chính là đặc điểm của chùa Hiến khác so với các chùa khác ở Việt Nam, đó cũng chính là điểm làm nổi bật nên nét đẹp của ngôi chùa này.

Hai bia đá ở phía trước sân chùa là “Thiên Ứng tự- Tân tự trùng tu thạch bi ký” và “Thiên Ứng tự- bia ký công đức trùng hưng”, hai tấm bia này có lưu giữ rất nhiều tư liệu lịch sử nói về quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến.

Ở phía trước chùa còn có một cây nhãn Tổ, cây nhãn này được gọi với cái tên là cây nhãn tiến, cây nhãn này có hình dáng đẹp, đây là nhãn đường phèn. Cứ đến mùa ra quả, quả chín thường được chọn hái để dâng đức Phật, cúng thần Thành Hoàng và để quan lại địa phương tiến vua vì nhãn quả rất to, mã lụa, cùi dày và có hương vị rất thơm ngon. Cây nhãn này hiện tại thì thân cây đã già cỗi, chỉ còn một nhánh, được đắp vun gốc và được chăm sóc phát triển.

Chúng ta chỉ mới nghe giới thiệu sơ qua về ngôi chùa mà đã thấy có nhiều thứ để tìm hiểu khi đến đây, đây có vẻ là một địa điểm lý tưởng để chúng ta tham quan và tìm hiểu. Mong rằng mọi người có thể đưa địa điểm vào danh sách những chuyến đi sắp tới của mọi người nha.
Nguồn: internet, facebook Đặng Phương Anh.
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: cả ngày
- Phương tiện giao thông: ô tô, xe máy, xe khách.