Mua sắm
Khám phá địa điểm
Location & map

Lạng Sơn là một trong những tỉnh địa đầu của Tổ quốc. Với nét đẹp văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau sinh sống tại đây, Lạng Sơn là điểm dừng chân hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng Đông Bắc của nước ta. Đỉnh Mẫu Sơn phủ tuyết trắng là một trong những điểm hấp dẫn nhất của Lạng Sơn mà du khách khắp nơi biết đến địa danh này. Bạn hãy một lần đến trải nghiệm khám phá vùng đất này nha, bạn nhất định sẽ có được chuyến hành trình thú vị và đáng nhớ.

Du lịch Lạng Sơn – Thông tin chung
Là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, Lạng Sơn có thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hoá đặc sắc, nguồn tài nguyên du lịch đồ sộ. Nơi đây có hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình tâm linh nổi tiếng như Tam Thanh, Kỳ Lừa, ải Chi Lăng, Nàng Tô Thị, chùa Tiên, đền Mẫu Đồng Đăng, thung lũng Bắc Sơn, làng văn hóa Quỳnh Sơn, khu du lịch Mẫu Sơn…
Ngành du lịch Lạng Sơn không ngừng tăng trưởng qua hàng năm. Cụ thể, năm 2017 tỉnh đón 2,6 triệu lượt khách, năm 2018 đón 2,8 triệu lượt khách, đến năm 2019 ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đón gần 3 triệu lượt khách.
Lạng Sơn đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao như Khu tổ hợp thương mại và dịch vụ Mega Apec Center tại TP. Lạng Sơn; khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí và trung tâm thể dục thể thao ở huyện Chi Lăng...

Thời tiết Lạng Sơn. Du lịch Lạng Sơn tháng mấy, mùa nào đẹp nhất?
Mỗi mùa Lạng Sơn đều có nét đẹp và những điều thú vị riêng. Vào những ngày hè rảnh rỗi, nếu bạn muốn thư giãn, nghỉ ngơi đơn thuần, thì du lịch Lạng Sơn với nhiều dịch vụ giải trí hấp dẫn sẽ là điểm đến tuyệt vời của bạn. Du lịch Lạng Sơn vào mùa đông, bạn lại có cơ hội ngắm cảnh tuyết rơi trắng xóa. Nếu muốn tìm hiểu những lễ hội văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc thiểu số nơi này thì những tháng đầu năm là thời điểm thích hợp cho chuyến đi của bạn.
Bạn có thể đến đây để tham gia lễ hội đền Kỳ Cùng từ ngày 22 đến 27 tháng giêng âm lịch. Bến đá Kỳ Cùng ở trong đền là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “ Trấn doanh bát cảnh”.

Cách di chuyển đến Lạng Sơn?
Máy Bay: Do Lạng Sơn chưa có sân bay nên bạn có điểm xuất phát từ khu vực xa phía Bắc (như từ miền Trung, Miền Nam) thì có thể cân nhắc lựa chọn phương tiện máy bay và đáp sân bay lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và sau đó di chuyển bằng xe khách đi Lạng Sơn.
Xe khách: Để chọn tuyến di chuyến đến Lạng Sơn thì bạn hãy ra Bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm để đón xe đi Lạng Sơn. Mức giá vé dao động: 100.000 – 170.000VNĐ/vé. Thời gian di chuyển khoảng 3 giờ.
Xe lửa: Nếu di chuyển bằng phương tiện xe lửa từ Hà Nội lên Lạng Sơn bạn cần đi tuyến (ĐĐ3) hoặc (HDR1): Hà Nội- Lạng Sơn – Đồng Đăng. Giá vé dao động từ 80.000 – 115.000đ/vé/người, tùy thuộc loại tàu và loại ghế bạn chọn.
Đặc sản ẩm thực Lạng Sơn? Ăn gì khi du lịch Lạng Sơn?
Vịt quay lá mắc mật: Đây là món ngon có tiếng của người Lạng Sơn. Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để thịt vịt không bị tanh lại thơm mùi lá móc mật. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt. Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng.

Khâu nhục: Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Món ăn gồm thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì rất ngon.

Phở chua: Đây là món ngon đặc sản Lạng Sơn mà bạn đừng bỏ lỡ nhé. Bánh phở, thịt lợn, khoai lang, khoai môn, thịt xá xíu, gan lợn, gà xé, dưa chuột, lạp xưởng,… tạo nên món phở chua trứ danh hấp dẫn khách du lịch khắp nơi khi về thăm Lạng Sơn.

Coong phù: Nếu có dịp lên Lạng Sơn, bạn nhất định nên thử thưởng thức món coong phù - một loại bánh gần giống bánh trôi nước của người miền nam. Bánh coong phù được đồng bào Lạng Sơn làm để ăn vào mùa đông, đặc biệt là ngày đông chí trời lạnh thì gia đình nào cũng có.

Bánh Ngải cứu: Bánh truyền thống của người Lạng Sơn, làm từ gạo, lá ngải cứu, vừng đen, nên cả người ăn chay cũng ăn được. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường, mùi thơm lừng của vừng hoà quyện với nhau. Nếu ai đã ăn một lần đảm bảo không bao giờ quên.

Nem nướng Hữu Lũng: Nem nướng Hữu Lũng có một đặc trưng rất riêng cuốn hút người ăn với phong cách làm nem của người miền núi. Nem nướng Lũng Hữu Lạng Sơn có mùi vị đặc biệt, vị chua ngai ngái kết hợp cùng hương thơm nức mũi khi nem được nướng lên hòa quyện vào nhau rất nhuyễn. Vắt thêm chút chanh ăn kèm với chút ớt hương vị nem sẽ thêm thăng hoa nha.
Một vài địa chỉ mà bạn có thể trải nghiệm ẩm thức Lạng Sơn:
- Nhà hàng Mạnh Hà - Lợn quay & Vịt quay tại ngã tư Sơn Hà, Hữu Lũng, Lạng Sơn
- Nhà hàng Vịt quay mắc mật tại 12 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
- Phở chua tại 194 Bắc Sơn, TP. Lạng Sơn
Những điểm du lịch hấp dẫn khi đến Lạng Sơn?
Động Tam Thanh - Chùa Tam Thanh: Nằm trong lòng thành phố Lạng Sơn, Động Tam Thanh thuộc quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh và Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc. Trong động có chùa Tam Thanh. Từ Động Tam Thanh, có đường dẫn lên Lầu Vọng Thị để du khách ngắm nhìn tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng. Bạn có thể tham quan nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn.
Ải Chi Lăng: là thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh là núi cao, có sông Thương chảy qua. Chiều dài của Ải gần 20 km, nơi rộng nhất khoảng 3 km. Đây từng là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt của dân tộc ta với quân xâm lược phương Bắc trong quá khứ.
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị: cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc. Đây là cửa khẩu nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117. Du khách đến đây sẽ được nghe thuyết minh về ý nghĩa cột mốc này. Vào thời điểm không có dịch bệnh, du khách có thể đăng ký làm giấy thông hành để "xuất ngoại". Từ cửa khẩu, bắt taxi di chuyển vào thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) cách khoảng 15 km để tham quan, ăn uống.

Đỉnh Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541 m còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, là điểm trekking còn mới mẻ với nhiều du khách. Núi Phia Pò được người dân địa phương gọi là Núi Cha, nằm trong quần thể núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn cách TP Lạng Sơn 30 km, cách Hà Nội gần 200 km. Nằm ở độ cao 1.541 m so với mực nước biển, đỉnh Phia Pò cũng là "nóc nhà" Lạng Sơn. Đây là điểm trekking còn mới trên bản đồ du lịch nên giữ được vẻ đẹp hoang sơ.


Thành Nhà Mạc - Núi Tô Thị: Thành nhà Mạc dựa vào núi nàng Tô Thị. Đây là một căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ VII. Dấu tích hiện nay của Thành gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300 m, mặt thành rộng khoảng 1 m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi. Để lên cổng thành, bạn phải đi qua hơn 100 bậc tam cấp. Vào tới trong thành là một khu đất trống rộng. Đây cũng là vị trí có thể ngắm toàn cảnh TP Lạng Sơn.
Di tích núi Phai Vệ: nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Theo nghiên cứu, núi Phai Vệ được người cổ đại lựa chọn làm nơi cư trú, là địa điểm quan trọng trong quá trình phát triển con người trong thời kỳ tiền sử, cũng là nơi bộ đội trú ẩn trong suốt kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Núi trông như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa lòng thành phố, có cột cờ cao 80 m. Có 4 tuyến đường để lên cột cờ núi Phai Vệ, với 535 bậc đá. Đứng trên cột cờ có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng quanh co uốn lượn. Bạn lưu ý nên ghé địa điểm này vào khoảng 17h - 18h để ngắm hoàng hôn.

Chợ đêm Kỳ Lừa: Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc. Chợ mỗi tháng họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Vào ngày diễn ra phiên chợ, nam thanh nữ tú các dân tộc sẽ đến đây mua sắm và gặp gỡ, giao duyên, qua những lời ca. Bạn có thể đến đây tham quan và mua sắm hoặc thưởng thức một số đặc sản xứ Lạng.

Mua gì làm quà khi du lịch đến Lạng Sơn?
Măng ớt: Nếu ai đã từng đến Lạng Sơn, sẽ không thể “làm ngơ” trước một đặc sản của vùng này, đó là món măng ngâm ớt cùng mắc mật tươi. Món này rất lạ miệng và hấp dẫn nên bạn có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Na Chi Lăng: Vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín. Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây.
Quýt Bắc Sơn: Loại quýt đặc sản được trồng tại các thung lũng của huyện Bắc Sơn. Quýt có màu vàng, vị ngọt mát và thơm, quả quýt căng mọng, ít hạt có vị đam hơi chua rất đặc trưng khó có loại quýt ở đâu có được hương vị này.
Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng.
Hồng Bảo Lâm: Là loại hồng nổi tiếng được trồng từ rất lâu đời ở xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc và Văn Lang của Lạng Sơn. Hồng Bảo Lâm không chỉ nổi tiếng ở Lạng Sơn còn được rất nhiều thực khách khắp nơi yêu thích.
Rượu Mẫu Sơn: Là sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc từ sản phẩm rượu gạo và nước nguồn tinh khiết do đồng bào Dao sinh sống ở độ cao 800 – 1000 m so với mặt biển, xung quanh khu vực núi Mẫu Sơn chưng cất, bằng loại men lá và phương pháp chưng cất truyền thống của dân tộc Dao hàng trăm năm nay.
Nguồn hình ảnh: Internet, instagram sangbaodo, instagram quyett228, instagram molly.creative, instagram anhsausaigons, instagram lefyw, instagram svietnammm, instagram rolleiii.
Bài viết: An Nhiên
Thông tin chi tiết
- Tags: Miền Đông Bắc, Lạng Sơn