Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Khám phá địa điểm
Location & map

Kinh nghiệm du lịch Cam-pu-chia
Xứ sở Chùa tháp Cam-pu-chia ngày nay đã không còn xa lạ trên bản đồ du lịch thế giới, đặc biệt đối với người Việt Nam, đơn giản nhất có thể nói là do nước ta và Cam-pu-chia có chung đường biên giới từ đó di chuyển rất dễ dàng và nhanh chóng. Cùng với chi phí không quá đắt đỏ, Cam-pu-chia trở thành địa điểm mà nhiều du khách muốn đến tham quan, khám phá, từ đó Cam-pu-chia ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người không chỉ do nền văn hóa Khơ-me đặc sắc mà còn nhờ một lịch sử thăng trầm trải qua hàng thế kỷ… Cùng Tripzone đến với vương quốc Cam-pu-chia nhé cả nhà!

Du lịch Cam-pu-chia – Lượng khách qua các năm:
Ngành du lịch ở Cam-pu-chia là một trong những ngành quan trọng nhất trong nền kinh tế. Trong năm 2013, lượng khách du lịch tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách doanh nhân tăng 47%. Lượng khách quốc tế đến trong năm 2018 đạt mức 6 triệu lượt, tăng gấp 10 lần kể từ đầu thế kỷ 21. Du lịch sử dụng 26% lực lượng lao động của đất nước, tạo ra khoảng 2,5 triệu việc làm cho người bản xứ. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid toàn cầu nên ngành du lịch Cam-pu-chia đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Du lịch Cam-pu-chia – Thông tin du lịch:
Vị trí: Cam-pu-chia là một quốc gia Đông Nam Á giáp với Việt Nam về phía đông, Lào về phía bắc, Thái Lan về phía tây bắc và có đường bờ biển dài 443 ki-lô-mét dọc theo Vịnh Thái Lan về phía tây nam. Diện tích 181.035 ki-lô-mét vuông.
Tên chính thức: Vương quốc Cam-pu-chia (đôi khi được phiên âm là Kampuchea để thể hiện gần hơn với cách phát âm tiếng Khơ-me).
Thủ đô: Phnom Penh
Múi giờ: GMT+7 (bằng với giờ Việt Nam)
Tiền tệ: Đô la Mỹ (USD) được sử dụng chính thức. Riel Khmer (viết tắt là KHR; 1 Riel tương đương 5.6 VNĐ) chỉ dành cho các giao dịch nhỏ.
Tôn giáo chính: Phật Giáo chiếm 96% dân số (ngoài ra còn có Công Giáo, Hồi Giáo và các tôn giáo khác…)
Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Khơ me. Ngoài ra họ có hơn 19 ngôn ngữ bản địa.
Du lịch Cam-pu-chia – Thời tiết ở Cam-pu-chia như thế nào?
Khí hậu Cam-pu-chia là nhiệt đới gió mùa, có hai mùa chính.
Mùa khô: Từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 3, gió mùa đông bắc nhẹ hơn và khô hơn mang đến nhiều mây, lượng mưa không thường xuyên và độ ẩm thấp.
Mùa mưa: Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 10, gió mùa Tây Nam thịnh hành mạnh mang theo mưa lớn và độ ẩm cao.
Nhiệt độ thường cao quanh năm, dao động từ khoảng 28 độ C vào tháng Giêng là tháng mát nhất, đến khoảng 35 - 37 độ C vào tháng Tư nóng nhất
Du lịch Cam-pu-chia – Di chuyển đến Cam-pu-chia bằng cách nào?
Cam-pu-chia có 2 sân bay quốc tế nằm ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap.

Có rất nhiều hãng hàng không có chuyến bay thẳng hoặc quá cảnh để đến các phi trường quốc tế của Cam-pu-chia như: Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air và AirAsia vì vậy tùy vào địa điểm muốn đến kế tiếp mà du khách có thể chọn đáp tại sân bay phù hợp.
Tuy nhiên, như đã nói do có chung đường biên giới nên du khách từ Việt Nam đặc biệt là khu vực miền Nam rất dễ dàng sang Cam-pu-chia du lịch bằng đường bộ thông qua các cửa khẩu như cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ 70 ki-lô-mét; cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cách thị xã Châu Đốc khoảng 25 ki-lô-mét theo hướng tây nam; cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cách thị xã Hà Tiên 6 ki-lô-mét về phía tây bắc, nối với tỉnh Kampot, Cam-pu-chia…

Chú ý: Du khách phải có vé khứ hồi mới được nhập cảnh vào Cam-pu-chia nhé!
Du lịch Cam-pu-chia – Đi lại tại Cam-pu-chia:
Đường sắt Hoàng Gia:

Mạng lưới đường sắt của Campuchia gần đây đã được khôi phục và cung cấp một cách đi lại khá rẻ và thoải mái. Các chuyến tàu giữa Phnom Penh và Sihanoukville đã hoạt động lại vào tháng 4 năm 2016 và các chuyến tàu giữa Phnom Penh và Poipet ở biên giới Thái Lan được nối lại vào tháng 7 năm 2018. Tuyến này được vận hành bởi Đường sắt Hoàng gia.
Xe buýt liên tỉnh và nội đô:
Các thị trấn và thành phố lớn hơn sẽ có các bến xe buýt, tuy nhiên hãy lưu ý: không phải lúc nào xe buýt cũng khởi hành hoặc đến các bến xe ở Phnom Penh. Hãy chắc chắn rằng bạn xác nhận điểm khởi hành từ đại lý bán vé.
Kể từ năm 2014, Phnom Penh đã có ba tuyến xe buýt nội đô có máy lạnh. Trong khi các thành phố khác hiện vẫn thiếu phương tiện giao thông công cộng, các tuyến này chạy dọc theo ba đường cao tốc chính xuyên thủ đô.
Xe gắn máy:
Có hơn 29 công ty tổ chức tour du lịch bằng xe gắn máy ở Cam-pu-chia, từ các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người địa phương, đến các công ty nước ngoài tổ chức các tour du lịch thành lập ở Cam-pu-chia. Họ cung cấp các chuyến đi một ngày hoặc nhiều ngày trên khắp đất nước, phù hợp cho những ai muốn vượt ra khỏi lịch trình quen thuộc để đến những địa điểm mà xe buýt du lịch không bao giờ có thể đến được.

Thuê xe gắn máy để tự chạy cũng là cách phổ biến được du khách lựa chọn tại Cam-pu-chia. Chỗ cho thuê xe có ở nhiều thị trấn, thành phố ngoại trừ Siem Reap, nơi đã cấm hoạt động này.
Tuk-tuk:

Là loại xe hai bánh được kéo bằng xe máy có thể chở từ hai người đến cả gia đình, là một cảnh tượng phổ biến trên khắp Cam-pu-chia. Trong khi tên chính thức là "remorque" trong tiếng Pháp nghĩa là "xe kéo", thì chúng được gọi là tuk-tuk, như một cách bày tỏ lòng kính trọng đối với nguồn gốc từ Thái Lan của loại phương tiện này.
Du lịch Cam-pu-chia – Khám phá ẩm thực đa dạng, phong phú khi du lịch Cam-pu-chia:
Văn hóa ẩm thực của đất nước Cam-pu-chia là sự kết hợp phong phú giữa các món ăn của Pháp và Trung Quốc cũng như các nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam. Ẩm thực Cam-pu-chia bao gồm các món ăn bản địa của người Khơ-me, cũng như cách nấu nướng chịu ảnh hưởng từ ẩm thực của các quốc gia này từ đó tạo nên những món ăn độc đáo và mang đậm bản sắc của người Cam-pu-chia qua hàng thế hệ. Mặc dù độ nổi tiếng của ẩm thực Cam-pu-chia chưa quá lớn trên thế giới nhưng cũng đủ khiến thực khách nếu có dịp ăn rồi sẽ ấn tượng và nhớ mãi!
Cùng điểm qua vài món được coi là đặc sản Cam-pu-chia nhé:
Prahok – Mắm Bò Hóc: Prahok có thể hiểu ngắn gọn là một loại mắm từ các loại cá (thường là cá sống ở vùng nước ngọt) được bỏ ruột, đánh vẩy, rồi giã nát. Cá sau đó để một nắng rồi đem nén trong vại với muối và gia vị cho lên men. Mắm bò hóc được sử dụng trong ẩm thực Campuchia như một món ăn kèm rau, cơm.

Kuay teav - Hủ tiếu Nam Vang: Nguyên liệu chính là sợi hủ tiếu làm từ bột lọc, vì vậy có người gọi là hủ tiếu dai. Nước dùng hầm từ xương heo lấy độ ngọt, với thịt bằm nhỏ, ngoài ra lòng heo, thịt heo cắt lát là lựa chọn có thể thêm, bớt. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế bằng tôm, cua, cá, mực... nhưng nhất thiết phải có thịt bằm nhỏ trên cùng.

Kdam Chaa - Cua chiên tiêu xanh: Những con cua được đánh bắt bởi những ngư dân địa phương sau đó nhanh chóng đem chế biến cụ thể là chiên với hạt tiêu cũng là đặc sản trồng tại địa phương và một ít hẹ, tỏi, vì vậy giữ được sự tươi ngon, chắc thịt của cua.

Cà ri đỏ Khơ-me: Đây là một loại cà ri có hương vị đậm đà được chế biến từ các nguyên liệu quen thuộc như nước cốt dừa, thịt gà, cà tím, đậu xanh, khoai tây, khoai lang và một loại gia vị bột cà ri tạo nên màu đỏ tuyệt vời gọi là “kroeung”. Nó tương tự như cà ri đỏ của Thái, nhưng không cay bằng.

Du lịch Cam-pu-chia – Những địa điểm nhất định phải ghé thăm khi đi du lịch Cam-pu-chia:
Cam-pu-chia là một quốc gia Đông Nam Á có cảnh quan trải dài từ vùng trũng – đồng bằng sông Mekong, đến vùng núi và bờ biển Vịnh Thái Lan. Phnom Penh – thủ đô – nơi có Chợ Trung tâm với phong cách trang trí rất nghệ thuật, Cung điện Hoàng gia lấp lánh và các buổi triển lãm khảo cổ lịch sử của Bảo tàng Quốc gia. Ở phía tây bắc của đất nước là tàn tích của Angkor Wat, một quần thể đồ sộ được xây dựng từ thời Đế chế Khơ-me.
Phnom Penh: Chùa vàng – Chùa Bạc, Cung điện Hoàng gia, Chợ Trung tâm, Bảo tàng quốc gia Cam-pu-chia, Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng,…


Siem Reap: Angkor Wat - Kỳ quan thế giới, Quần thể Angkor Thom,…

Thành phố biển Sihanoukville

Battambang - Thành phố lớn thứ 2 của Cam-pu-chia

Cao nguyên Bokor

Đảo thiên đường Koh Rong

Một số câu hỏi thường gặp và lưu ý:
- Đi đến Cam-pu-chia cần xin Visa không?
Đây là quốc gia đã kí kết hiệp định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao trong vòng 30 ngày. Do vậy, du khách không cần xin visa khi đến Cam-pu-chia với mục đích du lịch.
- Ở đâu khi đi du lịch Cam-pu-chia?
Cũng như các nước, Cam-pu-chia có đầy đủ các loại dịch vụ cần thiết cho ngành du lịch, trong đó hệ thống khách sạn từ cao cấp cho ai có điều kiện cũng như nhu cầu nghỉ dưỡng tuyệt đối đến các homestay bình dân dành cho các phượt thủ.
Phnom Penh:
- Khách sạn: Các khách sạn cao cấp như Raffles Hotel Le Royal, Rosewood Phnom Penh, Sofitel, Garden City,…

- Homestay: BONNIVOIT Garden, Red House, Pooltop, PARADISE Guesthouse,…
Siem Reap:
- Khách sạn: Park Hyatt, Sabara Angkor Resort & Spa, Memoire d' Angkor Boutique Hotel, The Night Hotel,…

- Homestay: YI Family, Realkhom, The Nature,…
- Những lưu ý khi đi du lịch Cam-pu-chia:
Một đất nước với 96% dân số theo Phật Giáo thì sự tôn sùng của họ đối với các nơi thờ tự linh thiêng như chùa chiền, đền miếu cũng như các nhà sư có thể nói là tuyệt đối. Du khách phải hết sức tôn trọng và tuân theo các quy định như: cởi nón, giày dép trước khi vào đền, không được tùy ý chạm vào một nhà sư đặc biệt nếu bạn là nữ, không được ngồi với đôi chân bắt chéo nhau mà nên ngồi với cả hai chân cùng được đặt ở một bên…

Hãy ăn mặc một cách giản dị và kín đáo khi bạn bước chân vào một ngôi chùa cũng như những Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh. Hầu hết những ngôi đền ở Cam-pu-chia đều yêu cầu khách du lịch phải mặc quần hoặc váy qua gối, áo che kín vai và có tay áo. Du khách được khuyến khích mặc sà rông như một cách thể hiện sự tôn trọng với địa điểm và người dân ở đây.
Nguồn hình ảnh: internet; FB Gopher; FB Think Travel Live - Travel Blog; FB Battambanger - អ្នកបាត់ដំបង; FB Siemreap.net; FB Punleur Chheun; FB Backpacken in Azië; FB Cambodia Motorbike Tours; FB Royal Railway Cambodia;
Bài viết: Kim Thoa