Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Cầu Long Biên
Vị trí
Giới thiệu
Cầu Long Biên gắn liền với biết bao thăng trầm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nó trường tồn qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và chống đế Quốc Mỹ. Chiến tranh ác liệt đến như vậy, nhưng cây cầu vẫn hiên ngang, bất khuất. Tưởng chừng như không bom đạn nào phá hủy được nó. Đến nay, cầu vẫn còn lại những tàn tích của chiến tranh.
Vị trí: Ngọc Thụy, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắt qua sông Hồng do thực dân Pháp xây dựng. Mục đích của cây cầu là nối liền 2 quận Long Biên-Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội với nhau. Cầu Long Biên chứng nhân lịch sử oai hùng nhất và là công trình di tích lịch sử của Hà Nội.
Cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi hãng Daydé & Pillé (Paris, Pháp). Được thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng đương thời ở châu Âu – đặc biệt là thể loại công trình kết cấu thép; Long Biên kế thừa được cả yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật của thể loại này. Cầu được đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: '1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris.
Cầu Long Biên dài 1682m, gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Cầu rộng 4,75 m dành cho xe lửa ở giữa, hai bên là hai lối đi cho khách bộ hành và ô tô rộng hơn 3m. Đầu cầu phía Tây (nội thành Hà Nội) có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm.
Từ Cầu Long Biên ta sẽ có nhiều điểm nhìn đẹp, là không gian lý tưởng cho những nghệ thuật gia, những nhiếp ảnh gia khai thác. Chẳng thế mà những khung tranh tuyệt đẹp, bức họa về cây cầu này luôn thu hút được sự chú ý từ rất nhiều người.
Hiện nay, cầu Long Biên đã trở thành điểm check-in lý tưởng của giới trẻ, nơi này không chỉ là biểu tượng kiến trúc của đất thủ đô mà còn là địa danh hấp dẫn các bạn trẻ chụp ảnh.
Ngày nay, Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới, hiện đại hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cây cầu Long Biên không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông nhưng vẫn giữ nguyên một giá trị văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội và là ấn tượng sâu đậm với các du khách nước ngoài từng đặt chân đến nơi đây.
Nguồn hình ảnh: Internet, Instagram: veohanoi; emilyvu73; dulich.vietnam, chihieu.t, tapchikientruc
Bài viết: An Nhiên
Thông tin chi tiết
- Tags: Hà Nội, du lịch Hà Nội, Thủ Đô
- Phương tiện giao thông: Buýt, xe máy, Taxi