Những món ngon ở Kon Tum
Mảnh đất Kon Tum ngoài vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ thì còn có vô vàn sản vật mà núi rừng, thiên nhiên ban tặng, kết hợp với bàn tay khéo léo của con người địa phương nơi đây đã tạo ra văn hóa ẩm thực đặc trưng của Vùng Tây Nguyên thơm ngon đến lạ lùng mà bạn khó có thể bỏ qua nếu như có dịp ghé thăm mảnh đất này. Cùng Tripzone khám phá những món ăn đặc sắc này nhé.
Đặc sản Gỏi Lá
Gỏi lá là đặc sản nơi đây bao gồm các loại lá khác nhau như: lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ… Các lá chính gói ngoài như lá mơ lông, đinh lăng và lá sung được uốn thành hình phễu rồi bỏ thức ăn vào trong đó sau đó cuốn lại. Các món ăn kèm thường là thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo tất cả được thái mỏng rồi trộn cùng bột gạo nếp rang. Phần nước chấm được làm từ bỗng rượu đã được khử qua dầu ăn, kết hợp với trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Hạt tiêu để cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành lá là những gia vị không thể thiếu. Tất cả được kết hợp, hòa quyện lại với nhau, càng nhai thì bạn sẽ nhận ra càng nhiều hương vị ở món ăn này.
Ảnh: Sưu tầm
Dành cho bạn: Danh sách homestay, khách sạn tại Kontum
Cơm Lam món ngon Tây Nguyên
Cơm lam được biết đến là ẩm thực của núi rừng Tây Nguyên, để làm được món cơm này đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Bước đầu bạn phải chọn cây nứa ngô còn non rồi chặt lấy giống lưng chừng nứa, sau đó phạt đi đầu mặt rồi dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp được chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm. Tiếp đó, ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều cho vào ống lam cùng với dòng nước suối trong vắt tạo nên món cơm lam ngon có vị đặc trưng của miền núi.
Khi cơm chín thì chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm một cách thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Sau đó cắt mỗi ống ra thành năm, bảy khúc. Khi ăn, bạn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài rồi ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng được nướng trong ống tre nhưng ngon nhất là ăn với muối vừng.
Bún đỏ cao nguyên
Bún đỏ cao nguyên là món ăn đặc sản tại Kon Tum, ai đến đây cũng đừng bỏ lỡ, khác với các món bún khác thì bún đỏ cao nguyên đơn giản từ cách chế biến đến cách thưởng thức. Nguyên liệu của món bún đỏ này chính là cua đồng, một ít chả viên và trứng luộc. Mặc dù là món đơn giản nhưng cũng đòi hỏi có sự khéo léo mới có thể làm nên một tô bún đỏ cao nguyên hấp dẫn đến vậy.
Ảnh: Sưu tầm
Bún đỏ cao nguyên gây ấn tượng ngay từ đầu với màu hơi đỏ của hạt điều, tiếp đó màu đỏ au bắt mắt của từng miếng cà chua được đặt cạnh màu xanh tươi non của rau sống hay màu nâu của chả cá, riêu cua, trứng cút lộn, tất cả hòa hợp tạo nên một tô bún ngon nhìn rất bắt mắt.
Nếu như nhìn qua, có thể lầm tưởng bún đỏ cao nguyên là bún riêu hay món canh bún được bày bán ở phố thị. Tuy nhiên, hương vị khác biệt của món ăn này thu hút được nhiều người thưởng thức nhất là với thời tiết se se lạnh.
Rượu ghè
Rượu ghè cũng là ẩm thực địa phương bạn không nên bỏ qua nhé. Đây là thức uống rất đặc biệt của đồng bào dân tộc miền núi, với chất men cay tự nhiên không thể thiếu trong các lễ hội của họ và đã trở thành đặc sản của riêng thu hút du khách miền xuôi khi ngược lên nơi này du ngoạn.
Ảnh: Sưu tầm
Nguyên liệu chính của món rượu này được làm từ gạo nếp, hoặc sắn và một loại men đặc biệt được làm từ nhiều lá cây rừng, tiếp đó được ủ kín trong khoảng một thời gian nhất định tạo nên vị ngọt lịm.
Rượu ghè đã trở thành một hương vị rất riêng mà không có loại rượu nào có được, bởi nó được ủ từ loại men rượu làm từ nhiều loại rễ cây, lá cây mà người dân nơi đây tìm trong rừng sâu. Loại men đặc biệt này khi được ủ tạo ra hương vị rất riêng. Hiện nay, rượu ghè được chế biến bởi nhiều loại men chợ, có vị ngọt nhưng lại mất hẳn chất đại ngàn như trước. Theo đồng bào dân tộc nơi đây để làm nên một hũ rượu ghè đặc trưng phải có đủ trên 20 loại lá, rễ cây rừng. Sau khi tìm đủ nguyên liệu thì đem giã nhuyễn rồi trộn với nhau, tiếp đó phơi khô để khi dùng chỉ cần bóp tơi. Mỗi lần bạn nấu chỉ cần đem men đó rắc đều lên gao, ngô... theo tỷ lệ thích hợp rồi bịt kín bằng lá chuối, ủ hơn 15 ngày là dùng được.
Cá gỏi kiến vàng
Cá gỏi kiến vàng là món ăn của dân tộc Rơ Măm, đây là món ngon độc và lạ, mới nghe lần đầu có thể thấy hơi sợ nhưng khi ăn vào rồi lại muốn ăn nữa. Cá suối loại vừa phải chỉ bằng ba đầu ngón tay, được làm sạch rồi băm nhuyễn. Kiến vàng chọn loại ổ kiến non còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Tiếp đó lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng đem trộn chung với kiến và thêm chút thính bột gạo rang cháy để có mùi thơm. Ăn cá gỏi kiến vàng không thể thiếu lá sung, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay của tiêu, ớt.
Dế chiên Kon Tum
Đặc trưng bởi vị thơm, bùi, đậm đà mà không ngấy. Để có một đĩa dế chiến vàng thơm cần nhiều công đoạn chế biến, đầu tiên là dế được bắt về đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo dầu đang sôi để chiên lên. Tiếp đó, cho thêm gia vị, ớt, lá chanh, sả thái nhỏ vào rang chung, công đoạn này cần phải rang thật nhanh để lá chanh không bị mất đi màu xanh. Cuối cùng là cho ra đĩa và thưởng thức.
Ảnh: Sưu tầm
Trên đây là một số những món ngon, đặc sản vùng Tây Nguyên mà chúng tôi giới thiệu để bạn đọc biết và thưởng thức nếu có dịp du lịch vùng thiên nhiên núi non đại ngàn nơi đây.
Bạn có thể khám phá thêm ẩm thực Kontum tại chuyên mục Ăn gì, ở đâu