Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Chùa Keo Thái Bình
Vị trí
Giới thiệu
Thái Bình vốn không phải là vùng đất có thế mạnh về du lịch giống các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Nhưng ở Thái Bình lại có các bãi biển với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị thu hút khách du lịch như Đồng Châu, Cồn Vành, Cồn Đen; nhiều danh lam, thắng cảnh hấp dẫn như vườn Bách Thuận; các khu di tích lịch sử văn hóa như chùa Keo, di tích vua Trần, đền Thánh Mẫu, đền Tiên La,... Hôm nay hãy cùng theo chân Tripzone đến với một địa điểm vô cùng nổi tiếng tại Thái Bình. Đó chính là chùa Keo
Vị trí: Xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Giờ mở cửa: Cả ngày
Giá vé: Miễn phí
Cách di chuyển: Từ trung tâm thành phố Thái Bình, du khách đi thẳng đường Doãn Khuê để đi ra DT463. Đến nhà thờ giáo xứ An Châu thì rẽ phải để đi đường đê. Đi tiếp một đoạn sẽ thấy chùa Keo
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Chùa được xây dựng ngay từ năm 1632 dưới thời vua Lê Trung Hưng, với lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam.
Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng. Các công trình kiến trúc chính như: Tam quan, chùa Phật, điện thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá, vườn tháp… Từ mặt đê đi xuống là tam quan ngoại, giữa là tam quan nội. Qua tam quan là khu thờ Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương và điện Phật. Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có ba hồ lớn càng làm cho khung cảnh thêm bình yên.
Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Các cột đỡ được thiết kế tỉ mỉ, thể hiện dấu ấn điêu khắc thời Hậu Lê. Ấn tượng nhất là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế, với bộ khung được kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau với tổng chiều cao hơn 11m, liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong thanh thoát. Gác chuông này đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.
Hiện nay, chùa Keo còn bảo lưu được hàng trăm tượng pháp và đồ tế thời Lê. Chùa Keo được đánh giá là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Lễ hội chùa Keo diễn ra vào mùng 4 tháng Giêng hàng năm thu hút nhiều khách du lịch.
Nguồn ảnh: instagram roman-roamning-around, instagram lee.hinn, instagram long-nhan
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: Cả ngày
- Chỗ để ô tô: Có