Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Chùa Dâu
Vị trí
Giới thiệu
Nhắc đến Bắc Ninh không chỉ là nhắc đến những làn điệu dân ca đi sâu vào tiềm thức của người dân Kinh Bắc, mà còn là nhắc đến mảnh đất cổ lâu đời với nét truyền thống văn hóa đặc sắc. Nét văn hoá đó thể hiện qua các làng nghề như Tranh Đông Hồ, làng nghề Đúc Đồng, Gốm Phù Lãng… hay các địa điểm tâm linh như đền Đô, bút Tháp, Đình Bảng, chùa Phật Tích. Hôm nay Tripzone xin giới thiệu đến du khách một trong những di tích văn hoá truyền thống nổi tiếng tại Bắc Ninh. Đó chính là chùa Dâu
Vị trí: Xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Giờ mở cửa: Cả ngày
Giá vé: Miễn phí
Cách di chuyển: Chùa Dâu cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 20km. Từ trung tâm Bắc Ninh bạn đi qua cầu vượt Bồ Sơn, đi thẳng theo quốc lộ 38, đến ngã tư Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân thì rẽ trái vào Lạc Long Quân đi khoảng 10km nữa là tới chùa Dâu.
Chùa Dâu còn có tên khác là Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Được xây dựng từ những năm 187 đến năm 226 mới hoàn thành, chùa Dâu được coi là ngôi chùa cổ nhất và là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa và là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Chùa Dâu thờ Pháp Vân trong hệ Tứ pháp gồm: Pháp Vân (Thần Mây), Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Điện (Thần Chớp). Có thể trong nói Tứ Pháp thì Pháp Vân, Pháp Vũ được thờ cúng rộng rãi hơn cả nhưng Pháp Vân là trọng tâm, nên Chùa Dâu đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng này ở cả vùng Dâu lẫn cả nước.
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, cảnh quan đẹp, xung quanh cây cối mọc lên xanh tốt, tạo bóng mát cho người vãn cảnh. Cũng giống như những ngôi chùa cổ tại Việt Nam, chùa Dâu có bình đồ kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: tam quan, tiền thất (bái vọng đường), tháp Hoà Phong, Tam bảo, hậu đường, hai dãy hành lang. Bước qua cánh cổng chùa là hình ảnh toà tháp Hoà Phong sừng sững. Tháp có 3 tầng, cao 17m, được xây bằng gạch nung già. Tại các góc của tháp có tượng thờ “Tứ vị Thiên Vương” cai quản bốn phương trời.
Tiền đường với 7 gian phòng rộng rãi mang phong cách bố trí và đúc tượng thời Nguyễn. Tại đây đặt tượng Hộ Pháp, Bát Bộ Kim Cương, Đức Ông, Đức Thánh Hiền. Thượng điện được dựng trên nền cao 1,27m. Đặc biệt tại đây bảo lưu được hai bộ vì nóc kiểu “giá chiêng”, với khoảng giữa gắn hình lá đề chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời và hai trụ trốn bên chạm nổi hình phỗng. Sau cùng là phần hậu điện, đặt các pho tượng Bồ tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng.
Điều làm nên sự nổi bật cho chùa Dâu chính là 18 pho tượng của các vị La Hán ở dọc hai dãy hành lang song song nối liền tiền thất và hậu đường được miêu tả với các tư thế, hình dáng và màu sắc sinh động
Lễ hội chùa Dâu diễn ra vào ngày 8 tháng Tư âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham dự
Nguồn ảnh: internet, instagram rodri-aranda
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: Cả ngày
- Chỗ để ô tô: Có