Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Cốm Tú Lệ
Vị trí
Giới thiệu
Nằm ngay sát đèo Khau Phạ hùng vĩ xã Tú Lệ hiện lên như một nàng thơ yêu kiều ẩn mình giữa núi rừng Tây Bắc. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, kỳ bí mà nó còn sở hữu một loại cốm với hương vị đặc trưng, độc nhất vô nhị và không có vùng đất nào có thể sánh bằng.
Tên: Cốm Tú Lệ.
Địa chỉ: Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Giá bán: Khoảng 120.000 VNĐ/kg
Cách di chuyển: từ trung tâm huyện Văn Chấn bạn đi dọc theo quốc lộ 37 rồi đi tiếp vào quốc lộ 32 là đến nơi
Xã Tú Lệ là một thung lũng nằm dưới chân của ba dãy núi lớn là Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Với tổng diện tích 29,29 km2, đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc H'Mông và người Thái. Từ lâu vùng đất này đã nổi tiếng với một loại lúa nếp có hạt to tròn, trắng trong. Theo đồng bào dân tộc Thái sinh sống lâu năm ở đây kể lại rằng xưa kia khi tổ tiên của họ đi khai hoang, lập nghiệp đã vô tình tìm thấy giống lúa nếp có bông to, hạt tròn và mùi thơm ngào ngạt. Nhìn thấy được sự phát triển lâu dài họ quyết định ở lại lập làng, vỡ ruộng và đã hết sức thông minh trong việc nhân giống và cải tạo đất trồng lúa. Đồng bào Thái đã biến một vùng đất khô cằn nơi núi cao thành một xã mang tên Tú Lệ với giống lúa đặc trưng không có vùng đất nào có thể sánh được. Cũng chính nhờ loại lúa thơm ngon này mà người dân có thể làm ra được món cốm dẻo ngọt trứ danh như bây giờ.
Để tạo ra những hạt cốm chất lượng thì đồng bào dân tộc nơi đây phải lựa chọn đúng trong thời kỳ uốn câu của lúa khi đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết. Họ dậy từ sáng sớm gặt lúa sau đó về đem ngâm với nước lạnh, nhặt bỏ phần hạt lép nổi trên mặt nước. Lúa khi đã gặt về phải chế biến ngay để giữ được mùi vị thơm ngon vốn có. Sau khi loại bỏ hết những hạt hỏng nó tiếp tục được cho lên rang trong chảo lớn với mức lửa duy trì đều khoảng 30 phút cho đến khi nứt gạo và ngửi thấy mùi thơm. Theo những đồng bào dân tộc đã nhiều năm trong nghề làm cốm thì đây là công đoạn khó khăn nhất yêu cầu sự tỉ mỉ và chú ý bởi nó quyết định độ ngon của cốm nếu như lửa quả to sẽ bị cứng hoặc quá bé thì mất đi độ dẻo. Bước cuối cùng ta sẽ chờ cho lúa nguội và mang đi giã. Công việc này được thực hiện bởi hai người một người nhịp chày người còn lại dùng đũa cả lớn đảo liên tục. Phải giã thật đều chân đồng thời người đảo cần phối hợp nhịp nhàng để cốm được nhuyễn. Khi trấu đã tách ra khỏi vỏ lúa, cốm sẽ được múc ra và mang đi sảy vỏ. Tất cả những công đoạn đều được người dân nơi đây thực hiện thủ công bằng chính sức lao động của mình, dù không có những trang thiết bị hiện đại thế nhưng đây cũng chính là cách để giữ gìn một phần nào nét đẹp văn hóa đang dần bị mai một theo thời gian.
Hạt cốm được làm ra có màu xanh đặc trưng của giống lúa, ăn ngon nhất khi vừa mới làm xong. Cốm Tú Lệ mềm dẻo thơm khi ăn xong sẽ cảm nhận được một vị đắng nhẹ sau đó sẽ chuyển thành thanh ngọt. Đây là một mùi vị đặc trưng mà không bị pha trộn hay có bất kỳ một chất xúc tác nào cả. Vị đắng của cốm như thể hiện được bao nỗi khó nhọc của đồng bào dân tộc trong canh tác và sản xuất thế nhưng dù có mệt mỏi đi chăng nữa họ vẫn cứ ngày đêm miệt mài say say rồi là giã tạo nên giá trị văn hóa lịch sử cho một quốc gia có truyền thống lúa nước lâu đời. Hằng ngày trung bình một gia đình ba người có thể sản xuất được khoảng 20kg cốm. Nếu mua tại nhà người dân 1kg cốm sẽ có giá 120.000 VNĐ. Có thể thấy đây là một mức giá không quá thấp cũng không quá cao cho những nỗ lực và công sức mà người dân đã bỏ ra trong suốt thời gian qua. Cốm thường được ăn với chuối, nấu cháo, xôi, chè... hoặc mang đi làm quà tặng tùy theo ý thích của mỗi du khách.
Mang theo những thăng trầm và giá trị văn hóa lâu đời, cốm Tú Lệ với hương vị đặc biệt hứa hẹn sẽ là một món ăn độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Nếu như bạn vẫn chưa có dịp được thử qua đặc sản này thì còn chần chờ gì nữa mà không ghé ngay đến vùng đất Tú Lệ xinh đẹp để thưởng thức một món ăn nức tiếng tại vùng núi cao Tây Bắc.
Nguồn ảnh: Báo Đà Nẵng, VOV TV, FB An Nhiên, VN Express, Halo Travel
Người viết: Anh Thư