Chuẩn bị cho chuyến đi
Mua sắm
Chùa Vọng Cung
Vị trí
Giới thiệu
Nam Định nổi tiếng là vùng đất có nền văn hoá, văn hiến lâu đời. Qua bao dấu vết thời gian, nơi đây vẫn giữ được vẹn nguyên những quần thể di tích văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nhắc đến Nam Định là nhắc đến các di tích nổi tiếng như đền Trần, chùa Tháp, đền Bảo Lộc, cột cờ Nam Định, bảo tàng Dệt May,... và không thể không nhắc đến chùa Vọng Cung
Vị trí: 28 đường Trần Phú, phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định
Giá vé: Miễn phí
Giờ mở cửa: Cả ngày
Cách di chuyển: Từ trung tâm thành phố, đi thẳng đường Trần Hưng Đạo, đến ngã tư cửa Đông thì rẽ phải vào đường Trần Phú. Đi tiếp khoảng 1km thì sẽ thấy chùa Vọng Cung nằm ở bên tay phải, đối diện vườn hoa chéo.
Công trình văn hoá tín ngưỡng này được xây dựng ngay từ thời Gia Long, nguyên là toà Vọng Cung của Thành Nam xưa, là nơi đón tiếp các vị vua, quan lại mỗi khi kinh lý qua Nam Định. Nếu đến vãn cảnh chùa, du khách vẫn sẽ nhìn thấy một cỗ ngai sơn son thếp vàng dành riêng cho vua được nhà chùa gìn giữ rất cẩn thận.
Trải qua bao quãng thời gian thăng trầm, chùa như một nhân chứng, chứng kiến những giai đoạn lịch sử hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Vào năm 1860, nơi đây được chọn làm lễ xuất quân cho hơn 300 nghĩa binh vào Nam đánh giặt Pháp xâm lược. Chùa cũng đã từng bị bom đạn của kẻ thù làm hư hại nhiều lần nhưng sau này đã được khôi phục, kiến tạo lại năm ngôi bảo tháp và hoàn thiện nội thất, ngoại thất. Năm 1950, nhà sư Thích Tâm Tri từ chùa Quán Sứ ở Hà Nội về Nam Định mở lớp Phật học và xin được tu tạo hành cung xưa thành ngôi chùa. Vì thế, chùa Vọng Cung có nét riêng không giống một ngôi chùa nào ở Việt Nam.
Chùa Vọng Cung có kiến trúc rất độc đáo. Khuôn viên chùa xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng hơn 10.000 m2 nên có thể một lúc chứa hàng trăm Phật tử. Cổng vào chùa gồm một cổng chính (tam quan) và hai cổng phụ (tả, hữu). Bước qua cổng sẽ gặp một khoảng sân rộng, bày nhiều cây bon sai tạo không gian thoáng mát. Tầng dưới chùa là nhà tổ, nhà khách, nhà lưu niệm, nhà giảng kinh rộng rãi. Bên trái là năm ngôi bảo tháp, được xây dựng làm nơi yên nghỉ của các nhà sư trụ trì có công xây dựng chùa. Ở tầng dưới còn có một cầu thang nhỏ hình xoắn ốc, dẫn lên nơi đặt quả chuông lớn.
Ở giữa là hai cầu thang hình cánh cung dẫn lên chùa chính. Chùa chính có năm gian, một lối xây dựng độc đáo chẳng gặp ở bất cứ chùa nào trên đất nước. Mái chồng diêm, đầu đao cong vút với những thiết kế chạm khắc tuy đơn giản nhưng tinh xảo, tỉ mỉ thể hiện dấu ấn kiến trúc thế kỉ 19. Hai bức cửa võng ở hậu cung, viền chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt, trong chạm mai-điểu với bố cục lạ mắt mà hài hòa.
Những gian thờ ở đây cũng được bày trí gọn gàng với không gian rộng để Phật tử dễ vào lễ bái. Tượng thờ đều được sơn son thếp vàng với nhiều bức tượng đẹp như Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù, A Nan, Ca Diếp, Cửu Long
Hàng tháng các Phật tử đều đến đây để tụng kinh, niệm Phật tạo nên một không khí cổ kính, trang nghiêm giữa lòng thành phố sầm uất. Nơi đây cũng thường tổ chức các khoá tu để các bạn trẻ có thêm nhiều trải nghiệm độc đáo, để hiểu hơn về tín ngưỡng, nếp sống sinh hoạt nhà chùa
Nguồn ảnh: instagram wjeongsoo121, instagram monn.u, instagram meo.1996
Thông tin chi tiết
- Giờ mở cửa: Cả ngày
- Chỗ để ô tô: Có